Tinh vị: Vị cay, mát, không độc.
Quy kinh: Phế, Can.
Công dụng:
Tán phong nhiệt, ra mồ hôi, giảm uất, làm thuốc thanh lương chữa cảm nắng (trúng thử), đau bụng, bụng đầy, ăn không tiêu.
Chủ trị:
+ Khứ uế khí, phát độc hãn, phá huyết, chỉ lỵ, thông lợi quan tiết (Dược Tính Luận).
+ Chủ tặc phong, phát hãn. Trị bụng đầy trướng do ác khí, hoắc loạn, ăn không tiêu, hạ khí (Đường Bản Thảo).
+ Dẫn thuốc vào doanh, vệ. Trị âm dương độc, thương hàn đầu đau (Thực tính bản thảo).
+ Trừ tặc phong, kích thích tiêu hóa. Trị trúng phong mất tiếng, nôn ra đờm, ngực, bụng đầy, hạ khí, đầu đau (Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
+ Thông các khớp, lạc. Trị cảm, đầu não đau, trẻ nhỏ bị phong đờm (Bản Thảo Đồ Kinh).
+ Trị trẻ nhỏ sốt cao co giật, nóng trong xương, dùng làm thuốc phát hãn (Bản Thảo Diễn Nghĩa).
+ Thanh lợi đầu mặt (Đông Viên Dược Tính Phú).
+ Sơ Can khí. Trị Phế thịnh, vai lưng đau, cảm phong hàn ra mồ hôi (Thang Dịch Bản Thảo).
+ Uống vào có tác dụng phát hãn, trừ phong nhiệt ở tạng Tâm (Thực Liệu Bản Thảo).
+ Trị trung phong, điên giản, thương táo, uất nhiệt (Bản Thảo Thuật).
+ Giải uất thử. Trị răng đau, ho nhiệt, chỉ huyết lỵ, thông tiểu tiện (Y Lâm Toản Yếu).
+ Tiêu mục ế [trừ mắt có màng mộng] (Bản Thảo Tái Tân).
+ Trị thương hàn đầu đau, hoắc loan, thổ tả, ung nhọt, ngứa (Trấn Nam Bản Thảo).
+ Thanh nhiệt, hóa đờm, tiêu tích thực. Trị đầu đau do phong tà, các bệnh nóng âm ỉ
(Nam Dược Thần Hiệu).
+ Phá huyết, chỉ lỵ, tiêu thực, hạ khí, thanh đầu, thanh mắt, thông quan, khai khiếu. Trị phong nhiệt ngoài da, hư lao, nóng trong xương, trẻ nhỏ bị phong đờm, kinh phong, sốt cao, hoắc loạn. Rắn cắn, mèo cắn, ong chích và bệnh thương hàn lưỡi trắng đều dùng Bạc hà hòa mật mà xát vào (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Phát nhiệt, giải biểu, khu phong, giảm đau, tuyên độc, thấu chẩn (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
+ Tuyên tán phong nhiệt, thanh đầu, thanh mắt, thấu chẩn. Trị cảm phong nhiệt, phong thấp mới phát, họng đau, miệng lở, ban sởi, mề đay phong ngứa, ngực sườn đầy tức (Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
+ Phát hãn, trừ phong nhiệt, thanh đầu, thanh mắt, sơ uất khí ở Can. Trị cảm phong nhiệt, bệnh thời tiết nóng sốt không ra mồ hôi, mắt đỏ, răng đau, họng đau do phong hỏa, ban sởi không mọc ra được (Đông Dược Học Thiết Yếu).
Y học hiện đại:
+ Có tác dụng làm co các màng sưng trong mũi, qua đó cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi, khó thở do cảm lạnh, cảm cúm gây ra.
+ Methol – thành phần hóa học chính của lá bạc hà còn giúp kháng khuẩn, làm lỏng dịch nhầy trong phổi, giảm ho.
+ Menthol có khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác hại của indomethacin và ethanol.
+ Tình dầu chiết xuất từ bạc hà được sử dụng rộng rãi để làm dịu kích ứng và khắc phục tình trạng nổi mẩn đỏ ngứa trên da.
+ Dầu bạc hà có tác dụng giảm đau tương tự như các thuốc Tylenol hoặc Paracetamol. Nó giúp làm giảm triệu chứng đau đầu do stress khi được thoa lên trán kết hợp với massage.
Liều dùng:
Lá và cả cây: 4 - 8g dưới dạng thuốc pha.
Tinh dầu: 0.06 - 0.6ml/ngày
Cồn bạc hà: 5 - 15 giọt/ngày pha vào nước uống.
Lưu ý:
- Việc thoa tinh dầu cây bạc hà nguyên chất có thể gây kích ứng da. Bạn cần pha loãng nó với dầu nền trước khi sử dụng, đặc biệt là khi bôi lên mặt.
- Không áp dụng tinh dầu bạc hà trên những khu vực da đang bị lở loét, trầy xước. Cẩn thận tránh để tinh dầu dính vào mắt.
- Ngưng sử dụng vị thuốc bạc hà và các chế phẩm của nó khi các triệu chứng đã được cải thiện. Tránh dùng liên tục trong thời gian dài.
- Không dùng trong các trường hợp: Trẻ em, bệnh nhân tiểu đường, phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản, người bị sốt do âm hư, người đang bị suy nhược, táo bón kéo dài, huyết áp cao, người mắc các bệnh lý về tim mạch.
Kiêng kỵ:
+ Người mới bị ngứa, không dùng. Bị đổ mồ hôi do hư không dùng (Dược Tính Luận).
+ Uống nhiều hoặc uống lau ngày sẽ bị lạnh người; âm hư gây ra sốt, ho, tự ra mồ hôi: không dùng (Bản Thảo Phùng Nguyên).
+ Bạc hà vị cay, thơm, phá khí, vì vậy, uống lâu ngày sẽ làm tổn Phế, thương Tâm, bị hư yếu (Bản Thảo Tùng Tân).
+ Uống nhiều thì tổn Tâm, Can. Dùng lâu, dùng nhiều thì tiết hết Tâm khí, hao âm, tổn dương. Bệnh mới khỏi: kiêng dùng vì sợ bằng ra mồ hôi gây vong dương. Chứng nội thương, biểu hư, âm hư đều cấm dùng. Bệnh nặng mới khỏi mà ăn vào thì ra mồ hôi không dứt: kiêng dùng (Dược Phẩm Vậng Yếu).
+ Người gầy yếu, suy nhược toàn thân, táo bón, huyết áp cao, trẻ em dưới 1 tuổi: không nên dùng (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).