A nguỳ còn gọi là Xú A nguỳ (臭阿魏), Tân Cương A nguỳ (新疆阿魏),...., là nhựa cây thu được từ các loài thực vật thuộc họ Tán Umbelliferae, chủ yếu là Ferula sinkiangensis K.M. Shen và Ferula fukanensis K.M. Shen. Vào cuối xuân đầu hạ, khi cây đang thời kỳ đại hoa cho tới lúc kết quả ban sơ, tiến hành cắt xiên dần từ phần trên của thân cây để thu thập nhựa mủ tiết ra, sau đó để khô tự nhiên.
A nguỳ có dạng khối bất định hoặc dạng cao mềm, màu sắc biến thiên từ vàng sáp tới vàng nâu. Dạng khối nhẹ, chất như sáp, mặt cắt có lỗ nhỏ; mặt cắt mới có màu nhạt hơn, sau khi để lâu ngả sang màu sậm. Dạng cao mềm có màu xám trắng, chất nhầy dính. Toàn dược có mùi hăng đặc trưng như mùi tỏi, vị cay, khi nhai có cảm giác nóng rát trong miệng.
TPHH: A nguỳ chứa tinh dầu không dưới 10%. Thành phần có tinh dầu, nhựa, gôm. Loại tốt chứa 10–17% tinh dầu, 40–64% nhựa, khoảng 25% gôm, tro 1.5–10%; loại kém chứa tạp chất vô cơ có thể tới 60%. Tinh dầu chứa pinen, hợp chất disulfide (butyl-propyl-disulfide chiếm 45%), tạo mùi tỏi đặc trưng. Nhựa chứa acid ferulic, các ester của nó, và các farnesiferol A, B, C. Không chứa coumarin tự do nhưng dễ sinh coumarin khi đun với axit, phát huỳnh quang xanh lam trong kiềm, làm cơ sở định tính.
Phương pháp chế biến: A Ngụy sau khi được loại bỏ tạp chất, chặt nhỏ, tán mịn thành bột. Theo 《Lôi Công Bào Chích Luận》 ghi chép: “Tán nhỏ như bột trong cối sạch, sau đó đem qua hơi rượu nóng rồi dùng làm thuốc.”
Quy kinh: Can, Tỳ, Vị. Trong 《Lôi Công Bào Chế Dược Tính Giải》 ghi rằng nhập vào Vị kinh; 《Bản Thảo Kinh Sớ》 ghi nhập Túc Thái Âm, Dương Minh kinh; 《Bản Thảo Tân Biên》 cho rằng nhập Tỳ, Vị, Đại Trường; 《Ngọc Thu Dược Giải》 ghi nhập Túc Thái Âm Tỳ kinh và Túc Quyết Âm Can kinh.
Tính vị: A Ngụy có vị đắng cay (khổ tân), tính ôn. 《Đường Bản Thảo》 cho rằng vị cay, tính bình, không độc; 《Hải Dược Bản Thảo》 ghi vị cay, tính ôn; 《Nhật Hoa Tử Bản Thảo》 cho rằng tính nhiệt; 《Bản Thảo Chính》 nhận định vị đắng cay, tính nhiệt, có độc.
Kiêng kỵ: người Tỳ Vị hư nhược, phụ nữ có thai đều cấm dùng. Trong 《Bản Thảo Kinh Sớ》 ghi rõ: người Tỳ Vị hư nhược, dù có tích tụ cũng không được sử dụng. 《Y Lâm Toản Yếu》 nói: dùng nhiều làm hao tổn nguyên khí, mờ mắt. 《Bản Thảo Cầu Chân》 viết: người Vị hư, ăn kém, dùng A Ngụy dễ gây nôn mửa, tiêu chảy, dẫn đến gầy yếu, suy nhược.
Công năng chủ trị: A Ngụy có tác dụng tiêu tích, sát trùng, chuyên trị các chứng: tích tụ, bĩ khối, trùng tích, nhục tích, hàn thống vùng tâm phúc, các chứng ngược, và lỵ tật. 《Đường Bản Thảo》 chép: chủ sát các loại tiểu trùng, khử xú khí, phá chứng tích, hạ ác khí. 《Thiên Kim Dực Phương》 ghi: chủ trị các loại khí trọc ác. 《Hải Dược Bản Thảo》 chép: chủ trị tâm phúc trung hàn. 《Khẩu Hoa Tử Bản Thảo》 ghi: trị truyền thi, phá chứng bĩ, hàn khí, ôn ngược, trị hoả loạn tâm phúc thống, thận khí, ôn chướng, trừ độc nấm mốc. Danh y Chu Chấn Hanh ghi: tiêu trừ nhục tích. 《Bản Thảo Hội Biên》 ghi: giải độc do ăn thịt bò, dê, ngựa chết. 《Bản Thảo Thông Huyền》 ghi: trị ngược, chỉ lỵ, giải độc, trừ mùi hôi. 《Tân Cương Trung Thảo Dược Thủ Sách》 ghi: trị thần kinh suy nhược, viêm phế quản mạn tính.
Cách dùng - Liều lượng:
Ngoài dùng: nấu thành cao dán, hoặc tán bột trộn vào cao dán.
Uống trong: làm hoàn, tán, mỗi lần 3–5 phân (khoảng 1–2g).