Tên khoa học: CAULIS SPATHOLOBI
Bộ phận dùng: Kê huyết đằng (Caulis Spatholobi) là dây leo dạng gỗ, thân to khỏe. Vỏ ngoài màu hơi nâu, hình trụ tròn hoặc dẹt, mặt cắt có 2, 3 vòng tròn đồng tâm hoặc không đồng tâm. Khi chặt ra có nhựa màu đỏ chảy ra.
Xuất xứ: Việt Nam.
Tính vị: Vị đắng, ngọt, tính ấm.
Quy kinh: Thuộc kinh Can và Thận.
Công năng: Bổ huyết, hoạt huyết, thông kinh lạc. Dùng để điều trị kinh nguyệt không đều, thiếu máu gây vàng da, tê liệt, bại liệt và đau nhức do phong thấp.
Chủ trị:
Vị thuốc này vừa có tác dụng thông, lại vừa bổ khí huyết, trị khí suy huyết kém.
Trị thiếu máu não, cơ thể suy nhược.
Làm mạnh gân xương.
Chữa các chứng đau mỏi lưng gối, té ngã chấn thương.
Điều trị phong thấp, hư lao, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt.
Trị di tinh, bạch đới, kinh nguyệt không đều.
Tác Dụng Dược Lý của Kê huyết đằng:
Tác dụng đối với hệ thống tạo máu: Theo báo cáo của Hà Thục Mã và cộng sự, nước sắc từ Kê huyết đằng (100%) có tác dụng bổ huyết đối với thí nghiệm trên thỏ bị thiếu máu. Vị thuốc này có khả năng làm tăng số lượng tế bào máu và nâng cao nồng độ hemoglobin.
Tác dụng ức chế tim và hạ huyết áp: Nước sắc từ dây Huyết Đằng (50%) có tác dụng ức chế nhẹ trên tim cô lập và tim trên cơ thể của loài cóc. Khi tiêm nước sắc với liều 0,43-0,5g thuốc sống/kg cho thỏ gây mê và 0,3g thuốc sống/kg cho chó, đều gây ra hiện tượng hạ huyết áp. Tuy nhiên, nước sắc này lại có tác dụng co mạch trên tai thỏ cô lập và mạch máu của loài cóc.
Liều dùng: 9 - 15 g. Liều cao có thể 30g.
Chú ý : Người âm hư hỏa vượng nên thận trọng khi sử dụng.